TP.HCM: Xuất khẩu 4 tháng đạt gần 12 tỷ USD

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM ước đạt 11,85 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Hàng hóa XNK qua Cảng Cát Lái. Ảnh Thu Hòa.

Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 11,12 tỷ USD, tăng 13,0% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu được duy trì và có mức tăng như: Gạo tăng 31,5%; rau quả tăng 27,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 17,3%. Thị truờng xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Hồng Kông tăng 34,5%; Thái Lan tăng 23,1%; Úc tăng 20,3%; Đài Loan tăng 79,3%; Indonesia tăng 60,8%… 

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 20,7%). Mặt hàng nhập khẩu nhiều từ các quốc gia: Trung Quốc tăng 16,9%; Thái Lan tăng 34,5%; Anh tăng 35,3%. Ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 22,2%; kim loại tăng 20,5%…

Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực thương mại tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. 

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng ước đạt 338.939,4 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2017. Chỉ số phát triển công nghiệp của tiếp tục gia tăng với mức tăng 6,07% so với cùng kỳ năm trước. 

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất – cao su – nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ước tăng 7,29% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành. 

Trong đó, ngành điện tử – công nghệ thông tin thành phố tăng 13,61% so với cùng kỳ, được quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học – kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử…

Sự phát triển nhanh chóng về công nghệ đã khiến các sản phẩm ngành điện tử thành phố có sự thay đổi tương ứng, sản phẩm ngày càng tinh tế, nhỏ gọn, giá thành cạnh tranh. Các doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực này thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại; các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao (chất bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử…) có thị trường tiêu thụ ổn định.

Thu Dịu

Nguồn tin: Báo Hải Quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Ghé thăm Facebook Gọi Ngay