Tăng trưởng xuất khẩu 10%: Nhiều gian nan!

Với mức tăng trưởng XK giảm sút rõ rệt trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trươc, mục tiêu tăng trưởng XK 8-10% trong năm nay được nhận định không phải điều đơn giản.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, XK trong 8 tháng còn lại phải đạt từ 184 tỷ USD trở lên. Ảnh: Huy Khâm

Tăng trưởng “lùi”

Theo thông tin mà Bộ Công Thương vừa công bố: Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam ước đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng 70,4% tổng kim ngạch XK cả nước.

Về thị trường xuất khẩu, 4 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là các thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hiện, Việt Nam là một trong những thị trường đang hưởng lợi khi XK hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ tăng cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại XK sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và sụt giảm.

Nếu so sánh với cùng kỳ các năm 2017, 2018, dễ thấy, mức tăng trưởng XK 5,8% trong 4 tháng đầu năm nay thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng 17,4% cùng kỳ năm 2017 và mức tăng trưởng 19,1% cùng kỳ năm 2018.

Tuy vậy, Bộ Công Thương đánh giá, XK của Việt Nam vẫn có một số điểm tích cực. Điển hình là XK của khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 10,5%, cao hơn gần 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (tăng 5,8%) cũng như mức tăng trưởng 4% của khối DN FDI. Do đó, tỷ trọng XK của khối DN trong nước trong tổng kim ngạch XK tăng lên mức 29,6% trong 4 tháng đầu năm 2019 từ mức 28,4% của cùng kỳ năm 2018.

“Có thể thấy, từ năm 2018 đến nay khối DN trong nước đã có những bước chuyển mình tích cực, qua đó giúp nền kinh tế giảm dần sự phụ thuộc vào khối DN FDI. Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và các chính sách thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân của Nhà nước bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tăng trưởng XK của khối các DN trong nước đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Trông vào các yếu tố tích cực

Năm 2019, chỉ tiêu tăng trưởng XK Quốc hội giao là khoảng 7-8%. Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phấn đấu mức tăng trưởng XK từ 8 đến 10%.

Bộ Công Thương phân tích: Với kim ngạch đạt 78,76 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, XK hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành gần 30% so với kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, XK hàng hóa trong 8 tháng còn lại của năm phải đạt từ 184 tỷ USD trở lên (tương ứng khoảng 23 tỷ USD/tháng), tăng khoảng 9 % so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù XK thường tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm song để đạt được con số trên là nhiệm vụ khá khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, DN nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay.

Trong bối cảnh khó khăn, song Bộ Công Thương dự báo, từ nay tới cuối năm, XK hàng hóa sẽ có thêm một số yếu tố tích cực. Đó là XK hàng hóa đang được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc khi có thêm các đơn hàng từ phía Hoa Kỳ chuyển dịch sang. Điều này đang mang lại nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, việc Hoa Kỳ giảm bớt các rào cản thương mại kỹ thuật đối với thủy sản và mở cửa đối với các loại trái cây Việt Nam cũng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.

Cụ thể, mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố thuế sơ bộ đối với 31 DN XK tôm Việt Nam trong đợt rà soát hành chính thứ 13 là 0%. Mặc dù chưa phải là quyết định chính thức, mức thuế này phần nào sẽ giúp việc XK tôm sang Hoa Kỳ thuận lợi hơn, tăng sức cạnh tranh với Ấn Độ, Thái Lan…

Ngoài ra, trong tháng 4, Việt Nam đã chính thức XK lô hàng xoài đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ với giá cao hơn khoảng 10% – 15% so các thị trường khác. Đây được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn để rau quả Việt Nam mở rộng thị trường trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của ngành đang chậm lại do gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo là nền tảng cho việc gia tăng sản lượng, kim ngạch hàng hóa phục vụ XK.

Cùng với đó, tình hình đơn hàng cho năm 2019 của một số ngành hàng công nghiệp chính như: Hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… khá tích cực khi nhiều DN đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm, thậm chí cả năm 2019…

Trong tháng 4, Việt Nam ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 711 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,46 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,17 tỷ USD.

Thanh Nguyễn

Nguồn tin: baohaiquan.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Ghé thăm Facebook Gọi Ngay