Sửa Thông tư 38/2018/TT-BTC: Nội luật hóa các cam kết về xuất xứ trong CPTPP

Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2018/TT-BTC, trong đó có nội dung quan trọng là nội luật hóa các cam kết trong Hiệp định CPTPP về xuất xứ liên quan đến cơ quan Hải quan.

Trưởng phòng thuộc Cục Giám sát quản lý về hải quan Hoàng Thị Thủy cho biết, do Hiệp định CPTPP có những nội dung khác biệt, nên phần nội dung hướng dẫn Hiệp định CPTPP được quy định trong một điều khoản riêng biệt để thuận tiện cho cơ quan Hải quan và DN thực hiện. Tuy nhiên, về nguyên tắc chung của việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa XK, NK vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Cụ thể những nội dung nội luật hóa các cam kết trong Hiệp định CPTPP về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa của cơ quan Hải quan bao gồm: Quy tắc xuất xứ Hiệp định CPTPP (gồm 3 phần: 32 Điều khoản, 4 Phụ lục và 2 Tiểu phụ lục). Trong đó, Phần A quy định về Quy tắc xuất xứ, gồm 18 điều khoản về các quy tắc xuất xứ như quy định thế nào là hàng có xuất xứ, xuất xứ thuần túy, trị giá hàm lượng khu vực, cách tính toán nguyên vật liệu, cộng gộp… Phần B quy định về thủ tục xác định xuất xứ, bao gồm 13 Điều khoản quy định về khai báo để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, về thể thức chứng từ chứng nhận xuất xứ… Phần C quy định các vấn đề khác gồm một điều khoản về Ủy ban thực thi Quy tắc xuất xứ và thủ tục xác định xuất xứ.

Bốn Phụ lục, gồm: Phụ lục 3A- quy định về các thỏa thuận khác (cơ chế tự chứng nhận xuất xứ do người xuất khẩu được cấp phép hoặc C/O cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu); Phụ lục 3B-Thông tin tối thiểu chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Phụ lục 3C-Ngoại lệ của Điều 3.11 về quy tắc De minimis; Phụ lục 3D-Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR). Bên cạnh đó, hai Tiểu phụ lục gồm các điều khoản liên quan đến Quy tắc xuất xứ cụ thể cho phương tiện, bộ phận của phương tiện và Tiểu phụ lục các mặt hàng của danh mục nguồn cung thiếu hụt.

Bộ Tài chính sẽ nội luật hóa các quy định tại Hiệp định CPTPP các nội dung liên quan đến thủ tục, cách thức kiểm tra xác định xuất xứ, bao gồm các điều khoản liên quan trực tiếp đến cơ quan Hải quan tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2018/TT-BTC.

Cụ thể, về điều kiện để hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo CPTPP đối với hàng hóa NK phải thuộc biểu thuế ưu đãi đặc biệt; được XK từ nước thành viên Hiệp định; đáp ứng quy tắc về vận chuyển hàng hóa (vận chuyển trực tiếp); nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hợp lệ cho cơ quan Hải quan. Đối với hàng hóa XK, điều kiện để hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo CPTPP là thuộc biểu thuế xuất khẩu CPTPP; được XK từ Việt Nam và được NK vào nước thành viên khác thuộc CPTPP.

Chứng từ chứng nhận xuất xứ cần có bao gồm: Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do người xuất khẩu, người sản xuất phát hành; Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu.

Đáng chú ý, những thông tin tối thiểu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần phải có bao gồm: Người xuất khẩu hoặc người sản xuất; Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ e-mail của người chứng nhận; Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ e-mail của người xuất khẩu nếu người xuất khẩu không phải người chứng nhận; Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ e-mail của người sản xuất nếu người sản xuất không phải người chứng nhận hay người xuất khẩu; Tên, địa chỉ, địa chỉ e-mail và số điện thoại của người nhập khẩu; Mô tả và mã số HS của hàng hóa; Tiêu chí xuất xứ; Thời hạn; Ngày tháng năm và chữ ký được ủy quyền.

Bên cạnh đó, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phát hành cho: Lô hàng được nhập khẩu một lần; hoặc lô hàng giống hệt được NK nhiều lần trong khoảng thời gian được ghi rõ trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hàng hóa giống hệt phải được nhập khẩu bởi cùng một người nhập khẩu.

Dự thảo thông tư cũng quy định: Cơ quan Hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong trường hợp hoá đơn thương mại được phát hành bởi một nước không phải là thành viên. Trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một nước không phải là thành viên, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải phát hành tách biệt với hóa đơn thương mại đó.

Về thời điểm nộp Chứng từ chứng nhận xuất xứ: Người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và khai bổ sung trong thời hạn một năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trường hợp hàng hoá thuộc diện phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu, thời điểm nộp Chứng từ chứng nhận xuất xứ là thời điểm làm thủ tục hải quan. Thời điểm làm thủ tục hải quan được xác định từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan đến thời điểm thông quan hàng hóa. Trường hợp thời điểm giải phóng hàng khác thời điểm thông quan thì thời điểm làm thủ tục hải quan được xác định từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan đến thời điểm giải phóng hàng…

 N.Linh

Nguồn tin: Báo Hải Quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Ghé thăm Facebook Gọi Ngay