Với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hơn 480 tỷ USD đạt được trong năm 2018 và tốc độ tăng trưởng lạc quan những năm gần đây, các nhà chuyên môn và nhiều chuyên gia kinh tế tin tưởng năm 2019 Việt Nam sẽ cán mốc 500 tỷ USD.
Các dấu mốc “trăm tỷ USD” kim ngạch XNK của Việt Nam. Biểu đồ: T.Bình.
Khả quan
Để đạt được dấu mốc mới 500 tỷ USD kim ngạch XNK, bình quân mỗi tháng nước ta phải đạt được con số 41,7 tỷ USD.
Cập nhật của Tổng cục Hải quan đến 15/7, tổng kim ngạch XNK cả nước đạt hơn 265 tỷ USD, bình quân mỗi tháng đạt gần 40,8 tỷ USD. So với mục tiêu 500 tỷ USD, kết quả này đạt 53%.
Như vậy, so với mục tiêu bình quân vẫn còn thấp hơn 1 tỷ USD/tháng. Nếu duy trì kết quả trung bình như những tháng đầu năm, quy mô kim ngạch XNK cả năm 2019 chỉ đạt xấp xỉ 490 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo dõi diễn biến XNK từ dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan nhiều năm qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng và quy mô kim ngạch XNK giai đoạn đầu năm thường thấp hơn cuối năm. Thực tế này do những tháng đầu năm có nhiều dịp nghỉ lễ, tết dài ngày như tết Nguyên đán, tết Dương lịch, dịp 30/4 và 1/5… do đó, số ngày thực tế hoạt động của doanh nghiệp thường ít hơn những tháng cuối năm. Mặt khác, dịp cuối năm, để phục vụ mùa mua săm Lễ Giáng sinh hay tết Nguyên đán của Việt Nam, kim ngạch hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có xu hướng tăng rất mạnh.
Đơn cử như năm 2018 vừa qua, đến 15/7, tổng kim ngạch XNK mới đạt 243,8 tỷ USD, tương đương 50,8% tổng kim ngạch cả năm. Tỷ trọng này thấp so với con số 53% cùng kỳ đầu năm nay đã đạt được. Tuy nhiên, dịp cuối năm 2018, kim ngạch XNK vọt lên mạnh hơn giúp kết quả cả năm đạt con số lớn nhất từ trước đến nay như đề cập ở trên.
Thêm một dữ liệu nữa để củng cố niềm tin năm 2019 Việt Nam cán mốc 500 tỷ USD kim ngạch XNK là từ tốc độ tăng trưởng vừa qua.
Cụ thể, để đạt mốc 500 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng XNK chỉ cần thêm 4,2%, tương đương kim ngạch 20 tỷ USD. Nhưng đến 15/7, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái lên đến 8,7%, gấp đôi so với con số cần có để đạt được dấu mốc mới. Nếu tốc độ này được duy trì đến hết năm, kim ngạch XNK sẽ tăng thêm gần 42 tỷ USD so với năm 2018 và đưa tổng kim ngạch cả năm lên con số 522 tỷ USD.
Mặt khác, năm 2019 và những năm tới, Việt Nam đã và sắp thực hiện thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do, điển hình là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), hay mới đây là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam) vừa được ký, là những tiền đề rất quan trọng để đẩy mạnh hoạt động XNK nhờ sự mở cửa, các chính sách ưu đãi ở nhiều nền kinh tế lớn của thế giới.
Từ các dữ liệu trên có thể thấy năm 2019, nước ta sẽ chứng kiến thêm một dấu mốc quan trọng về quy mô kim ngạch XNK. Dù còn nhiều ý kiến xoay quanh câu chuyện về kim ngạch XNK của Việt Nam nhưng không thể phủ nhận đây là một thành tích ấn tượng trên chặng đường hội nhập, phát triển của đất nước.
5 nhóm hàng “Chục tỷ USD”
Liên quan đến thông tin cụ thể về hoạt động XNK những tháng đầu năm, theo thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố, 15 ngày đầu tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,504 tỷ USD và trị giá nhập khẩu đạt 11,183 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại trong 15 ngày đầu tháng này của nước ta lại nhập siêu gần 700 triệu USD.
Tuy nhiên, do con số xuất siêu hết tháng 6 vẫn đạt mức cao gần 1,6 tỷ USD, nên lũy kế từ đầu năm đến 15/7, nước ta vẫn xuất siêu hơn 900 triệu USD. Đến những ngày đầu tháng 7, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn liên tục biến động và không theo quy luật nhiều năm gần đây.
Nửa đầu tháng 7, các nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,717 tỷ USD; dệt may đạt 1,55 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,421 tỷ USD… Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 133 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm hơn 9,8 tỷ USD.
Các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất vẫn là 3 cái tên quen thuộc gồm: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 25,2 tỷ USD; dệt may đạt 16,6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 16,94 tỷ USD.
Đối với nhập khẩu, các nhóm hàng đạt kim ngạch cao nhất trong nửa đầu tháng 7 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,329 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,585 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 622 triệu USD; vải các loại 572 triệu USD; sắt thép các loại 426 triệu USD…
Từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước được 132,075 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2018, tương đương con số tăng thêm gần 11,5 tỷ USD.
2 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch “chục tỷ USD” đến 15/7 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 26,235 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt đạt 19,226 tỷ USD.
Thái Bình
Nguồn tin: Báo Hải Quan