Theo đánh giá của tỉnh Lạng Sơn, 10 năm qua Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã giúp hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh diễn ra sôi động.
Tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu thuộc KKT cửa khẩu giai đoạn 2009 – 2018 ước đạt hơn 26.000 triệu USD, chiếm 81% tổng kim ngạch XNK của cả tỉnh. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2018, tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.881,3 triệu USD.
Phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, với những kết quả này KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã tạo nên những dấu ấn rõ nét, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao so với tốc độ tăng chung của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trong đó phải kể đến hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu ngày càng hoàn thiện, thu hút ngày càng nhiều lượng người XNC và hàng hóa XNK qua cửa khẩu. Trong 9 tháng đầu năm nay, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã có gần 1,4 triệu lượt người XNC, tăng 33% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã làm thủ tục cho 34.181 bộ tờ khai, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn luôn duy trì ở mức cao – bình quân 13% năm, ngành dịch vụ tăng nhanh từ 58,7% năm 2008 lên 74% năm 2017, tổng kim ngạch XNK liên tục tăng qua các năm từ 1,5 tỷ USD năm 2008 lên 5,25 tỷ USD năm 2017. |
Không chỉ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm đầu tư. Trong giai đoạn 2009 – 2017, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 5.130 tỷ đồng để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng yếu tại khu vực cửa khẩu và TP. Lạng Sơn. Từ đó, có nhiều công trình quan trọng đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả như: đường Cổng Trắng – Tà Lài (năm 2010); Trung tâm dịch vụ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đường Pác Luống – Tân Thanh, cổng cửa khẩu và nhà Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Cốc Nam (năm 2013); đường Na Sầm – Na Hình (năm 2015); tòa nhà cửa khẩu Hữu Nghị (năm 2016), đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (2017)…
Song song với đó, công tác đấu nối đường bộ qua biên giới đã hoàn thành tại các cặp cửa khẩu đó là Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc); Cốc Nam (Việt Nam) – Lũng Vài (Trung Quốc); Na Hình (Việt Nam) – Kéo Ái (Trung Quốc); Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc); Nà Nưa (Việt Nam) – Nà Hoa (Trung Quốc), Bình Nghi (Việt Nam) – Bình Nhi Quan (Trung Quốc); Bản Chắt (Việt Nam) – Bản Lạn (Trung Quốc).
Hiện tỉnh Lạng Sơn đang đẩy nhanh tiến độ thi công và sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2018 đối với tuyến đường vận chuyển hàng hóa đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) đến Khu Kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc) tại mốc 1088/2 – 1089. Qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động XNC, XNK hàng hóa qua địa bàn.
Không chỉ được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật KKT cửa khẩu còn được các DN đầu tư. Giai đoạn 2008 – 2018, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 110 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 13.334 tỷ đồng; 16 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 186 triệu USD. Một số dự án đã được đưa vào vận hành, khai thác như: Nhà máy Xi măng Hồng Phong, Nhà máy chế biến chì thỏi, bột đá mài… Hiện đang triển khai các dự án đầu tư hạ tầng Khu trung chuyển hàng hóa và Khu chế xuất 1; dự án Khách sạn – sân golf Hoàng Đồng.
Cần khai thác tối đa tiềm năng
Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KKT cửa khẩu vẫn còn những hạn chế, một số cơ chế chính sách thu hút vào khu kinh tế không còn phù hợp với thực tế hiện nay, chất lượng quy hoạch, tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm khiến KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn chưa phát huy được hết tiềm năng.
Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập KKT cửa khẩu. |
Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động XNK qua các cửa khẩu của tỉnh chưa ổn định, bên Trung Quốc lại thay đổi chính sách biên mậu thường xuyên như giờ giấc làm việc để thông quan, chưa bố trí đầy đủ lực lượng để làm việc tại các cặp chợ, lối mở; các địa điểm giao nhận hàng hóa cũng luôn thay đổi… Cùng với đó là những tồn tại như: việc một số chính sách ưu đãi đối với KKT cửa khẩu không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; chất lượng một số quy hoạch không cao, thiếu đồng bộ nên triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc, bất cập phải điều chỉnh; hệ thống cơ sở hạ tầng tuy đã được tập trung đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu…
Để nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế này theo Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Phạm Ngọc Thưởng, Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cần rà soát tổng thể quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh phạm vi, quy mô KKT cửa khẩu nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để khu kinh tế trở thành đầu mối XNK lớn, là trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch và kinh tế trọng điểm của vùng Đông Bắc và cả nước.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hiệp định thương mại Việt – Trung, hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng ngày càng vững chắc.
Với những chủ trương, quyết sách của tỉnh, trong đó, với cơ chế, chính sách ưu đãi mà Lạng Sơn đang thực hiện, trong những năm tới, KKT cửa khẩu Đồng Đăng -Lạng Sơn sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của địa phương, đồng thời khẳng định vị trí của Lạng Sơn đối với sự phát triển của KKT trọng điểm.
Nguồn tin: Báo Hải Quan