Bộ Tài chính đã hoàn thiện và trình Chính phủ bản dự thảo Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Nhữ Thăng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.
Trong dự thảo Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP, việc cắt giảm thuế NK được chia thành 3 nhóm. Xin ông cho biết cụ thể việc áp dụng ưu đãi thuế NK của các nhóm này?
Căn cứ theo cam kết ưu đãi thuế cho các thành viên CPTPP, dự thảo Nghị định đã đưa ra lộ trình cắt giảm thuế NK theo từng năm chia theo 3 nhóm cơ bản. Nhóm thứ nhất gồm khoảng 66% dòng thuế cắt giảm ngay khi Hiệp định có hiệu lực từ năm 2019, ví dụ sữa và các sản phẩm từ sữa, gạo và các sản phẩm liên quan đến gạo, nhựa, hóa chất, gỗ… Nhóm thứ 2 gồm các mặt hàng khác có lộ trình cắt giảm dài hơn là 5 năm, 10 năm, 8 năm đến16 năm, chủ yếu liên quan đến nông sản như thịt gà, thịt lợn,…
Ngoài ra, trong CPTPP, chúng ta vẫn bảo lưu quyền đánh thuế đối với một số mặt hàng trong hạn ngạch thuế quan. Khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta được bảo lưu 4 mặt hàng là đường, trứng gia cầm, muối, lá thuốc lá. 4 mặt hàng này sẽ được Bộ Công Thương công bố hạn ngạch thuế quan hàng năm để thực hiện và khi NK được hưởng thuế suất ưu đãi dành cho các nước thành viên của WTO. Tuy nhiên, khi gia nhập CPTPP, Việt Nam cam kết giảm dần thuế suất. Ví dụ mặt hàng lá thuốc lá sẽ cắt giảm thuế trong hạn ngạch thuế quan xuống 0% vào năm thứ 16. Tuy nhiên, chúng ta được quyền duy trì một số thuế cho các mặt hàng như đường, muối, trứng gia cầm,… song vẫn phải có lộ trình cắt giảm.
Cũng liên quan đến Biểu thuế NK, một mặt hàng được khá nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm là ô tô. Theo cam kết tại Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ mở cửa hàng rào thuế quan đối với mặt hàng ô tô từ Nhật, Canada trong năm thứ 7 tính từ năm Hiệp định được ký kết. Việc mở cửa này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Trong các mặt hàng cam kết trong CPTPP, ô tô là mặt hàng được nhiều nước quan tâm. Trong các thành viên của CPTPP, một số nước có thế mạnh về XK ô tô như Nhật Bản và chúng ta cũng có lộ trình cam kết đối với mặt hàng này.
Ví dụ, ô tô mới NK từ các nước thành viên CPTPP có lộ trình cam kết giảm thuế, tùy từng mặt hàng. Hiện nay, ô tô 4 chỗ ngồi hoặc ô tô có dung tích trên 3.000cc đang áp dụng thuế suất 70% thì sẽ cắt giảm dần trong vòng 15 năm để năm thứ 16 xuống còn 0%. Ngoài ra, một số mặt hàng khác như ô tô có nhà di động dung tích trên 3.000cc hiện đang áp dụng thuế 47%, vào CPTPP, thuế suất này được bảo lưu trong trong 5 năm để đến năm thứ 6 cắt giảm xuống 0%.
Bên cạnh ô tô mới, ô tô cũ từ các thị trường nói trên cũng sẽ “hưởng lợi” với mức thuế 0%. Điều kiện nào để được hưởng ưu đãi này thưa ông?
Bên cạnh ô tô mới, chúng ta cũng phải có chính sách cụ thể để cho phép các nước XK ô tô cũ sang Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện NK, lắp ráp ô tô, do đó, việc NK ô tô phải đáp ứng các quy định chung này, đặc biệt là các tiêu chuẩn về chất lượng xe, về khí thải,… Về chính sách thuế, chúng ta cũng thực hiện theo lộ trình và có hạn ngạch đối với ô tô. Theo cam kết, trước mắt cấp hạn ngạch 60 chiếc/năm, trong đó 30 chiếc có dung tích dưới 3.000cc và 30 chiếc có dung tích trên 3.000cc. Sau đó, chúng ta sẽ tăng dần lượng hạn ngạch không chịu thuế lên đến khoảng 150 chiếc từ năm thứ 16 trở đi.
Hiện nay, CPTPP đã được ký kết nhưng không phải cả 11 nước thành viên đều đã phê chuẩn và nộp lưu chiểu. Trên thực tế mới có 7 nước, trong đó có Việt Nam. Do vậy, các chính sách thuế nêu trong dự thảo chỉ áp dụng đối với những nước đã có hiệu lực. Những nước khác chờ đến khi Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực thì chúng ta sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định này để họ cũng sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.
Chuyển sang Biểu thuế XK, gần như toàn bộ hàng hóa XK của Việt Nam sang các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Xin ông chia sẻ một chút về vấn đề này?
Có 2 khía cạnh khi nói đến ưu đãi thuế đối với hàng XK của Việt Nam sang các nước CPTPP.
Thứ nhất, Biểu thuế XK ưu đãi dành cho hàng hóa XK chỉ có Việt Nam có. Khi DN Việt Nam XK sang các nước thành viên CPTPP thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế XK. Chúng ta chỉ duy trì thuế XK đối với một số mặt hàng như khoáng sản, dầu thô, tài nguyên quý hiếm, còn những mặt hàng khác không duy trì thuế XK trong thời gian dài.
Thứ hai, là khi DN XK hàng sang các nước thành viên CPTPP thì lại được hưởng ưu đãi thuế NK vào các nước này. Ví dụ, Australia mở 93% dòng thuế cho Việt Nam, chiếm đến 95% kim ngạch XK Việt Nam sang Australia; Nhật Bản mở 95% dòng thuế, chiếm hơn 70% kim ngạch. Những nước này giảm thuế NK là điều kiện tốt để DN Việt Nam tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, thủy sản, da giày, nông sản,…
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XNK hàng năm giữa Việt Nam với các nước CPTPP không hề nhỏ. Đơn cử, con số này của năm 2018 là 74,478 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Với việc cắt giảm lượng lớn các dòng thuế XK cũng như NK, ngân sách nhà nước liệu có ảnh hưởng gì không, thưa ông?
Nói không ảnh hưởng thì không đúng. Đối với thuế XK, số thu từ thuế XK, chúng ta sẽ giữ thuế một số mặt hàng như dầu thô, khoáng sản, tài nguyên quý hiếm. Con số ảnh hưởng không lớn tùy theo lượng kim ngạch XK đi.
Về thuế NK, trong số các thành viên của CPTPP, Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do với 7 nước, vì vậy số thu sụt giảm từ cắt giảm thuế đối với các nước này không lớn lắm. Ngoài ra, một số nước như Peru, Chi Lê, Canada, số thu cũng có ảnh hưởng nhất định.
Tuy nhiên, thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, ngành Tài chính đã có nhiều giải pháp để tăng dần các khoản thu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào những khoản thu một lần hay những biến động lớn như kim ngạch XNK. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, trong đó cũng có những chính sách lớn nhằm củng cố lại cơ sở thuế, hoàn thiện chính sách thu nội địa đảm bảo ổn định nguồn thu.
Ngoài ra, trong thực tiễn, chúng ta cũng đang thực hiện một số giải pháp khác như tăng cường quản lý thu thuế, nhất là của ngành Hải quan, cơ quan liên quan trong việc xác định trị giá hải quan, xác định giá đúng khi thu thuế hay xác định C/O chính xác tránh hiện tượng gian lận. Những biện pháp đó giúp nguồn thu ổn định.
Việc ban hành Biểu thuế XK, Biểu thuế NK để thực hiện CPTPP có tác động như thế nào đối với các cơ quan thực thi nhiệm vụ quản lý hàng hóa XNK, thưa ông?
Theo chúng tôi đánh giá, Biểu thuế NK cơ bản không gây biến động lớn về quá trình thực hiện của cơ quan Hải quan vì chúng ta đã có kinh nghiệm thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do song phương trong thời gian trước. Điều quan trọng là phải chặt chẽ trong việc xác nhận xuất xứ hàng hóa để đảm bảo việc hưởng ưu đãi thuế suất đúng.
Trong CPTPP, lần đầu tiên chúng ta có cam kết về thuế XK. Có thể nói đây là một nhiệm vụ mới cần có sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là ngành Hải quan trong quá trình thực hiện bởi vì khi DN XK hàng hóa sang các thị trường CPTPP họ sẽ được hưởng ưu đãi thuế XK. Khi XK, DN vẫn khai tờ khai hải quan bình thường và áp dụng thuế suất ưu đãi MFN. Sau đó, trong quá trình thực hiện, trong vòng 1 năm, DN có thể hoàn thiện hồ sơ chứng từ vận tải (chứng minh đích đến là các nước CPTPP) và tờ khai hàng hóa NK vào các nước CPTPP. Khi có đủ 2 loại giấy tờ này, DN sẽ nộp cho cơ quan Hải quan. Quy trình là cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra kỹ 2 giấy tờ nói trên, nếu đủ điều kiện thì cơ quan Hải quan sẽ làm thủ tục xử lý số tiền thuế đã nộp. Điều đó sẽ giúp vừa đảm bảo quyền quản lý của cơ quan Hải quan mà cũng đảm bảo quyền lợi của DN khi thực hiện các cam kết trong CPTPP.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: baohaiquan.vn